Tác giả: An Khang (Theo SCMP)
Một nhóm nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện virus gây bệnh sốt xuất huyết và Zika có thể kiểm soát mùi của vật chủ để thu hút muỗi đốt nhằm lan truyền virus.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Cell hôm 30/6 mở ra một biện pháp mới để kiểm soát bệnh truyền nhiễm do muỗi đốt bằng vitamin bổ sung, làm gián đoạn quá trình gây bệnh và giảm nguy cơ lây nhiễm virus.
Virus sốt xuất huyết gây sốt, phát ban và thậm chí tử vong, lây lan qua muỗi ở các khu vực nhiệt đới với hơn 50 triệu ca bệnh mỗi năm. Trong khi đó, virus Zika có thể gây biến chứng não hoặc hệ thống thần kinh và dị tật bẩm sinh khi phụ nữ mang thai nhiễm bệnh. Ở vùng khí hậu nhiệt đới, bệnh lây lan do muỗi đốt động vật nhiễm virus và truyền virus trong những lần đốt tiếp theo.
Giới nghiên cứu cho biết một số bệnh làm thay đổi mùi của vật chủ, khiến vật chủ trở nên hấp dẫn đối với muỗi. Một nhóm nhà nghiên cứu đến từ Đại học Thanh Hoa, Viện bệnh truyền nhiễm Thâm Quyến và Bệnh viện Đông y Thụy Lệ bắt đầu nghiên cứu bằng cách kiểm tra thực tế trên có đúng với virus sốt xuất huyết và Zika hay không.
"Muỗi dựa vào khứu giác để phát hiện vật chủ và đốt. Khi bắt đầu nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy muỗi ưa tìm kiếm và đốt chuột nhiễm virus sốt xuất huyết và Zika", trưởng nhóm nghiên cứu Cheng Gong ở Trường Y Đại học Thanh Hoa, cho biết.
Thông qua kiểm tra, Cheng và cộng sự phát hiện muỗi bị hấp dẫn bởi chuột nhiễm bệnh sốt xuất huyết và Zika hơn chuột khỏe mạnh. Họ tiếp tục nghiên cứu nguyên nhân dẫn tới điều này. Phân tích hóa học đối với chuột và người nhiễm bệnh xác định một phân tử gọi là acetophenone đặc biệt thu hút muỗi.
Acetophenone được tạo bởi một số trực khuẩn trên da người và chuột. Thông thường, da sản sinh đủ lượng protein chủ chốt RELMa điều phối thành phần hệ vi sinh vật trên da. Tuy nhiên, sau khi nhiễm virus sốt xuất huyết hoặc Zika, vật chủ không thể tạo ra đủ protein và acetophenone trở nên dồi dào.
Theo Cheng, flavivirus như sốt xuất huyết và Zika có thể sử dụng sự tăng vọt acetophenone để hỗ trợ vòng đời hiệu quả hơn bằng cách khiến vật chủ trở nên hấp dẫn hơn đối với muỗi. Để xác nhận acetophenone thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút muỗi, nhóm nghiên cứu đưa phân tử này vào chuột khỏe mạnh tình nguyện viên và thu được kết quả như dự đoán.
Các nhà nghiên cứu cũng so sánh hai bàn tay của một tình nguyện viên, một bàn tay có mùi từ bệnh nhân sốt xuất huyết và bàn tay còn lại có mùi từ bệnh nhân khỏe mạnh không mắc bệnh này. Tình nguyện viên đặt tay vào hai buồng kính trong hơn 30 phút. Kết quả là bàn tay với chiết xuất mùi từ bệnh nhân sốt xuất huyết thu hút muỗi nhiều hơn.
Protein điều phối vi khuẩn sản sinh acetophenone có thể được kích thích bởi vitamin A. Chuột nhiễm bệnh được cung cấp vitamin A sản sinh lượng acetophenone thấp hơn. Nghiên cứu cho thấy tiềm năng cho giải pháp mới để kiểm soát sự lây lan của bệnh lây qua đường muỗi đốt như sốt xuất huyết và Zika. Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch thử nghiệm cung cấp vitamin A cho bệnh nhân sốt xuất huyết ở Zika.